Triển lãm “Bắc Giang xưa ấy và nay” diễn ra từ 16h ngày 26/4 đến ngày

VHO- Chiều nay 31.10, tại Hà Nội, triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam và Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp tổ chức đã khai mạc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã cắt băng khai mạc triển lãm.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng yêu mến dòng tranh dân gian Đông Hồ với nhiều cảm xúc với những bức tranh thân thuộc. Tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm truyền thống đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam, truyền tải những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của nhân dân. Tranh được in trên giấy Điệp, với các hình vẽ, đường nét, hình mảng, màu sắc trầm ấm, không gian ước lệ. Bằng lối tư duy đơn giản, bút pháp khỏe khoắn, tinh tế, các nghệ nhân đã đưa nhiều hàm ý trong mỗi bức tranh đến với những người yêu nghệ thuật.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông xem các bức tranh ấn tượng tại triển lãm

Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” trưng bày hai phòng tranh với hơn 100 hiện vật từ tranh in cho đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề. Phòng tranh Đông Hồ xưa trưng bày một số bộ tranh in lưu giữ gần một thế kỷ và tranh in theo mẫu truyền thống được ưa chuộng hiện nay. Đó là hình ảnh các con vật quen thuộc trong các tranh như gà đàn, lợn đàn, gà thư hùng, lợn ăn lá dáy... Hình ảnh em bé mũm mĩm trong tranh vinh hoa, phú quý, nhân nghĩa, lễ trí... Tất cả đều hàm chứa giá trị biểu tượng tốt đẹp, đại diện cho sự chúc tụng trường thọ, sung túc, con cháu đủ đầy, học hành đỗ đạt cao... Triển lãm đã thật sự trở thành ngày hội về thẩm mỹ, sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân kiến tạo nên không gian thẩm mỹ của tranh dân gian Đông Hồ với nét đẹp giản dị, cân chất nhưng hàm đựng đầy đủ ý nghĩa nhân văn, có giá trị giáo dục truyền thống.

Một số tranh trưng bày tại triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Triển lãm tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO nhằm khôi phục, bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa, giá trị nghệ thuật đặc trưng của dòng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ xưa và nay đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những bức tranh quen thuộc, sức hút của triển lãm đến ở căn phòng tiếp theo khi công chúng được ngắm nhìn tập hợp tranh được phục chế gần đây và các sáng tác mới của một số nghệ nhân. Tranh phục chế là các mẫu được cho là đã thất lạc, lấy từ nguồn tư liệu đáng quý của Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal. Căn phòng cũng giới thiệu những hình ảnh đặc trưng trong các trang nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn, thập nguyệt dưỡng thai... Hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc trong tranh với phong tục cải lương, văn minh tiến bộ, nhảy đầm, thể dục chấn hưng... Loạt tranh mới sáng tác của các nghệ nhân là sự cải tiến trong cách thức thực hiện và nội dung biểu đạt sẽ làm cho triển lãm phong phú, đa dạng.

Du khách trong nước và quốc tế không khỏi ấn tượng bởi những mộc bản cổ của dòng tranh dân gian Đông Hồ

Theo NNƯT Nguyễn Đăng Chế, những bản khắc được phục chế đến từ nhiều mẫu cổ do ông sưu tầm. Trong đó, có mẫu có niên đại lên tới 200 năm được những người nước ngoài đưa về để ông khôi phục. “Những bản phục chế đạt chất lượng là những bản được khắc bằng gỗ thị và được khắc thủ công hoàn toàn bằng ve. Khác với những bản khắc cổ, những bản phục chế có độ tinh xảo và tính nghệ thuật cao hơn, không còn chỉ đơn thuần là khắc để lưu giữ mà còn dùng trong chơi tranh. Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều những bản khắc cổ được chuyển về làng nghề để phục dựng, bảo tồn những nét đẹp truyền thống dân tộc”, NNƯT Nguyễn Đăng Chế chia sẻ.

Một số bản phục chế đến từ những mẫu cổ có niên đại tới 200 năm

Tại triển lãm, trao đổi với PV, các nghệ nhân cũng bày tỏ trăn trở về việc nghề làm tranh Đông Hồ đang dần bị mai một trong xã hội hiện đại. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả nói: “Nghề làm tranh Đông Hồ đang gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt, thế hệ ngày nay không có nhiều đam mê với nghề truyền thống mà cha ông để lại. Điều này xuất phát từ việc các ngành nghề đem lại thu nhập cao và ổn định hơn nghề làm tranh dân gian nên cũng không nhiều người muốn quay trở lại với nghề”.

Trước những khó khăn mà nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang gặp phải, các nghệ nhân đều mong muốn đầu ra sản phẩm được phát triển mạnh mẽ hơn, tạo thu nhập ổn định cho người nghệ nhân và thu hút nhiều người trở lại với nghề.